Ngày Kính lão là ngày nào?
Ngày Kính lão (Keiro no hi - 敬老の日) là một ngày lịch đỏ, tức ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Ngày thứ Hai của tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm được chọn là ngày Kính lão. Đây là ngày lễ để tri ân những người cao tuổi, dịp để những người con xa nhà trở về quây quần với gia đình hoặc nhớ đến người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà của mình.
Không chỉ ở Nhật, mà trên thế giới cũng có ngày để tri ân những người cao tuổi là ngày 1/10. Ngày này được quyết định vào năm 1990 bởi Liên Hiệp Quốc và ngày 1/10/1991 là ngày Quốc tế người cao tuổi đầu tiên. Ý nghĩa cũng tương tự như ngày Kính lão của Nhật Bản.
Có nhiều người thắc mắc rằng bao nhiêu tuổi thì sẽ được gọi là "già" để được tôn vinh trong ngày đó. Trên thực tế thì bao nhiêu tuổi cũng không quan trọng đến vậy. Có thể nói rằng không có giới hạn độ tuổi cho đối tượng được tôn vinh trong ngày Kính lão. Điều ý nghĩa nhất trong ngày này đó là con cháu bày tỏ tấm lòng mình với ông bà và thế hệ đi trước.
Nguồn gốc của ngày Kính lão ở Nhật Bản
Ngày Kính lão hiện nay được cho là có nguồn gốc từ ngày Toshiyori (としよりの日: ngày của người lớn tuổi) được khởi xướng bởi trưởng làng Kadowaki Masao của làng Nomadani thuộc tỉnh Hyogo vào năm 1947, nhằm bày tỏ sự kính trọng với những người lớn tuổi trong làng và cảm ơn họ đã có công xây dựng và bảo vệ làng. Khi đó, ngày Toshiyori được chỉ định là ngày 15/9, vì đây là lúc thời tiết mát mẻ và vụ mùa vừa xong nên thích hợp để tổ chức tiệc tùng.
Đến năm 1950, ngày Toshiyori bắt đầu phổ biến trên toàn tỉnh Hyogo và từ năm 1954 thì ngày này chính thức được xem như là một ngày lễ quốc gia và kỉ niệm rộng rãi trên toàn Nhật Bản. Tuy nhiên, vì có nhiều ý kiến tranh cãi về cách gọi "Toshiyori no hi" nên ngày này đã được đổi tên thành "Rojin no hi" (老人の日) . Năm 1966, một lần nữa ngày Kính lão được đổi tên thành "Keiro no hi" (敬老の日) và từ đó đến hiện tại không có lần thay đổi tên nào nữa.
Ngoài ra, trước kia ngày Kính lão được chỉ định là ngày 15/9, tuy nhiên sau khi chế độ "Thứ Hai vui vẻ" (Happy Monday) được thông qua thì ngày này đã chính thức được chuyển sang ngày thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 9 từ năm 2003 để tạo thành 3 ngày nghỉ liên tiếp là thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai.
Người Nhật làm gì vào ngày Kính lão?
Cũng như các ngày lễ kỷ niệm khác, ngày Kính Lão cũng được xem là ngày lễ truyền thống tại Nhật. Tuy nhiên, so với các ngày lễ khác như Tết thiếu nhi, ngày Kính Lão là ngày lễ khá mới, chưa có nhiều tập tục truyền thống. Trong ngày Kính Lão thường mọi người sẽ về quê hoặc đến nhà thăm bố mẹ để thăm viếng, cung chúc, bày tỏ tình cảm, sự biết ơn các đấng sinh thành, sau đó cả gia đình sẽ có bữa tối quây quần bên nhau. Ngoài ra mọi người cũng sẽ gửi biếu quà cho ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi,... Quà tặng không hề có quy chuẩn. Miễn là những món quà đấy xuất phát từ trái tim chân thành, lòng biết ơn tôn kính tình yêu thương của bậc con cháu dành cho ông bà, cha mẹ.
Tại Nhật, nhiều trung tâm thương mại sẽ bày bán các gói, hộp quà trang trọng dành cho người lớn tuổi vào mỗi đợt tháng 9 hằng năm. Những món ăn ngon, những chai rượu,... cũng là lựa chọn quà tặng hợp lý và ý nghĩa trong ngày Kính Lão. Trong những năm gần đây thì các sản phẩm điện tử, đặc biệt các dụng cụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến giúp tăng thêm phần đa dạng cho sản phẩm quà tặng. Hay đơn giản là tấm lòng, mọi người có thể tặng một bó hoa, tự tay nấu một mâm cơm gia đình để ông bà, cha mẹ ấm lòng và cùng thưởng thức.
Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau. Để làm được điều đó, chúng ta - thế hệ trẻ - thế hệ con cháu cần không ngừng học tập chăm chỉ, trao dồi kiến thức, kinh nghiệm sống, rèn luyện nhân cách,... để không ngừng vươn ra thế giới, tìm kiếm một tương lai tươi sáng để phát triển bản thân.
94 Nguyễn Văn Trỗi, Phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương
duhocnhatban.tenshi@gmail.com
02746 25 26 26 - Hotline: 0912.308.318 - 0916.99.00.35
Làm việc từ Thứ 2 đến Thứ 7